Old school Easter eggs.
Căn nhà nằm ở khu nghèo nàn nhất dù tôi được cho biết đó từng là một trong những căn nhà đẹp nhất trong tỉnh ở thập niên 30.
Bây giờ, những khung cửa sổ đẹp đẽ đã bung ra, cái cổng lớn đã nghiêng ngả, sơn tróc từng mảng màu xám trong ánh sáng nhạt mờ mà tôi nghĩ rằng trước đây phải là màu trắng.
Căn nhà ba từng bề thế với những bao lơn rộng rãi. Bây giờ không mấy ai có khả năng xây những căn nhà lớn như vậy nữa. Bởi thế không có gì đáng ngạc nhiên nếu căn nhà này do một người giàu có xây nên. Tôi nghĩ tới niềm hãnh diện của vị chủ nhân đầu tiên và sự buồn phiền nếu họ nhìn lại căn nhà của họ bây giờ. Nhưng có lẽ họ đã chết cả rồi, không có gì phải thắc mắc nữa. Nếu có cái gì khiến chúng tôi phải thắc mắc bây giờ thì đó chính là một mùi hôi khó tả. Khi tôi dùng chữ “chúng tôi”, có nghĩa còn những người khác nữa ngoài tôi ra. Tôi là tân cảnh sát trưởng thành phố, Hoài, người phụ tá của tôi, và Tân, vị bác sĩ cảnh sát.
Chúng tôi đứng bên cạnh chiếc xe cảnh sát với ánh đèn chớp chớp, nhìn trừng trừng vào bóng tối và căn nhà lặng ngắt.
Những người hàng xóm kéo nhau ra đứng trước cửa theo dõi chúng tôi. Chúng tôi nhìn nhau trước khi quyết định tiến vào. Và tôi nín thở.
Bước lên thềm nhà, tôi nhìn qua khung kiếng bụi bặm của khung cửa trước. Bên trong hoàn toàn tối tăm. Tôi vặn chuông, loại chuông kiểu cổ. Tiếng chuông khô khan như vọng lại từ cõi xa xăm.
Chờ một lát không thấy ánh đèn, không nghe tiếng chân, tôi vặn thêm lần nữa và tiếp tục chờ. Vẫn hoàn toàn yên lặng. Hoài hỏi:
- Mình phải làm gì bây giờ?
Tôi đáp:
- Chờ thêm chút nữa. Họ già rồi, và cũng có thể họ không có nhà.
Bác sĩ Tân lên tiếng:
- Chỉ có một người thôi. Bà ta tên là Nga và chắc cũng đã trên dưới tám chục rồi.
Hoài nói:
- Hay bà ta ngủ?
Tân nhún vai:
- Tôi không nghĩ như vậy.
Tôi vặn chuông lần nữa. Là tân cảnh sát trưởng thành phố và mới ở đây không lâu, tôi không muốn làm phiền một bà lão. Tôi đưa gia đình tới đây với hi vọng tìm được một nơi cư ngụ tốt đẹp hơn.
Mùi hôi gần như không chịu nổi nữa khiến tôi quyết định:
- Thôi, mình vào xem sao.
Tôi vặn nắm cửa, cửa khoá. Tôi kê vai đẩy nhẹ. Cánh cửa bung ra dễ dàng làm như cái khoá cửa bằng giấy. Một mùi hôi nồng nặc ùa ra khiến tôi lợm giọng.
Tôi gọi lớn:
- Có ai trong nhà không?
Im lặng.
Chúng tôi bước vào và tôi cảm thấy sàn gỗ như bị mục dưới chân. Tôi bật đèn, đèn không cháy. Hoài lẩm bẩm:
- Chắc họ không trả tiền điện nên điện bị cúp rồi.
Chúng tôi bật đèn pin lên. Phòng khách nằm phía bên phải chất đầy những chồng giấy cao hơn đầu người. Có một khoảng cách nhỏ sát tường mà chúng tôi có thể bước lọt. Không cần thiết.
Chúng tôi tiếp tục bước vào trong và tôi lại gọi lớn: “Có ai ở nhà không.
Vẫn hoàn toàn im lặng.
Tôi nhìn thấy một cái dương cầm lớn kiểu cổ, xung quanh là những núi giấy tờ. Chúng tôi bước lên lầu. Phòng nào cũng chất đầy giấy tờ cao gần tới trần nhà.
Một cái giường ngủ kiểu cổ ở lầu nhì nhưng không có dấu vết nào cho thấy có người xử dụng.
Không tìm thấy một người nào và cũng không thấy gì khác lạ, chúng tôi trở xuống nhà dưới. Căn hầm luôn luôn là nơi đáng nghi ngờ nhất nhưng lại luôn luôn được kiểm soát sau cùng.
Chúng tôi mở cửa hầm. Một mùi hôi nồng nặc xông ra khiến chúng tôi không ai bảo ai, cùng bịt mũi một lượt.
Tôi đã được huấn luyện về kỹ thuật nén cảm xúc, hoàn toàn vô tư trước những gì nhìn thấy. Nhưng khi ánh đèn pin của chúng tôi rọi vào một cái xác không đầu nằm trên mặt đất, da thịt rữa nát thấm ra ngoài quần áo, tôi chịu không nổi.
Hoài mửa thốc mửa tháo. Rồi vì những lý do tự nhiên, ánh đèn pin tự động rọi lên cao, và chúng tôi nhìn thấy đầu người chết dính trong sợi giây thòng lọng, mái tóc bạc buông xoã, da thịt trên mặt đã chảy ra trong khi đôi mắt rữa nát như nhìn chúng tôi trừng trừng.
Tuy nhiên đó chưa phải hình ảnh cuối cùng mà chúng tôi chờ đợi. Khi ánh đèn pin rọi vào một góc phòng, thêm một tử thi nữa, bé nhỏ và cô đơn, một bé gái! Chúng tôi biết đó là một bé gái, không phải chỉ vì cô bé là mục tiêu của một cuộc tìm kiếm rộng rãi trong tỉnh mà là nhờ mái tóc dài và bộ quần áo với cái nơ thắt ở cổ. Nhìn mặt không thể biết vì mặt cô bé đã bị chuột bọ làm biến dạng. Cái nơ thắt chặt quá khiến cái lưỡi đen ngòm của cô bé lè ra. Chi tiết khiến chúng tôi đặc biệt lưu ý là áo quần của cô bé là loại áo quần cổ điển của hơn nửa thế kyœ về trước. Có lẽ cô bị bắt buộc mặc bộ áo quần này để đóng một vai trò mà cô không thích…
… Bây giờ chúng tôi đang ngồi trong văn phòng của tôi ở giữa thành phố, đèn bật sáng trưng. Dù bên ngoài trời lạnh với những ngọn gió thu, tôi mở tất cả cửa sổ và cho quạt chạy tối đa cho hết mùi xú uế bám trên da thịt và quần áo chúng tôi.
Rồi tôi lên tiếng:
- Các ông làm ơn cho tôi biết. Theo tôi, rõ rệt là bà ta đã giết đứa bé trước khi tự tử. Nhưng tại sao? Tôi mới tới đây nên không biết gì về bà ta hết. Tại sao bà ta lại làm như vậy?
Bác sĩ Tân hắng giọng:
- Bà Nga ở đó từ khi căn nhà mới xây. Chính vợ chồng bà đã xây căn nhà đó. Chồng bà là một ngân hàng gia giầu có tên là Ân. Khi đó thế giới nằm trong tay họ cho tới khi đứa con gái duy nhất lên ba của họ chết vào một mùa thu. Tôi biết việc này do ba tôi kể lại. Ba tôi cũng là bác sĩ nhưng đã không cứu được cô gái bị chứng bạch hầu, và chính ba tôi đã chứng kiến cảnh cơ nghiệp cha mẹ cô sụp đổ vì cái chết của cô.
Rồi một hôm ông chồng bỏ đi đâu không ai biết. Bà vợ ở lại một mình sống đời ẩn dật.
Tại thành phố này, thỉnh thoảng lại có những bé gái mất tích và thường vào mùa thu, như cô bé mà mình vừa thấy chẳng hạn.
Bây giờ nghĩ lại, tôi cho có lẽ bà Nga về già lên cơn điên, tìm kiếm những bé gái thế vào chỗ con bà. Bà bắt cóc chúng nhưng không để chúng sống sót. Bà giết chúng nhưng tin rằng chúng vẫn sống, và là con bà.
Có điều không biết bà ta giấu những xác chết đó ở đâu! Chắc chắn khi những xác chết rữa nát, bà ta phải tìm cách chôn giấu. Tôi nghĩ rằng lần cuối cùng có lẽ bà chợt tỉnh, hiểu rõ những việc làm của bà nên đã treo cổ tự tử.
Tôi ngồi yên suy nghĩ. Có nhiều việc phải làm bây giờ. Tôi chưa cho gọi xe hồng thập tự vì còn muốn nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi phạm trường bị khuấy động và có thể những chứng cớ quan trọng bị tiêu huỷ. Nhưng tôi biết tôi không thể ngồi yên được lâu hơn. Ít nhất tôi cũng phải thông báo cho cha mẹ bé gái bất hạnh.
Tôi vừa toan đưa tay thì điện thoại reo vang. Tôi giở điện thoại lên nghe và nhận thấy ngay là chúng tôi đã hoàn toàn lầm lẫn. Tôi biết việc gì đã xẩy ra. Đặt vội điện thoại xuống, tôi đứng bật dậy nhìn bác sĩ Tân:
- Không phải bà Nga làm công việc bắt cóc mà chính là ông chồng.
Tân giật mình:
- Ông nói sao?
Hoài há hốc miệng nhìn tôi. Tôi vừa đi như chạy ra cửa vừa nói:
- Chính là ông chồng.
Tân chạy theo:
- Nhưng ông ta đã bỏ đi từ mấy chục năm nay rồi.
- Ông ta không đi đâu hết. Ông ta vẫn ở trong nhà.
Cả hai chạy theo tôi ra xe. Hoài nói:
- Nhưng mình đã lục soát mà đâu có thấy ông ta.
- Ông ta ở trong nhà. Mình ngu quá nên không thấy đó thôi.
Tôi phóng xe ra khỏi ty. Bác sĩ Tân vẫn thắc mắc:
- Tôi không hiểu.
Tôi không muốn nói gì nữa mà chỉ hụ còi phóng như bay. Tới nơi, tôi thắng lại thật gấp, nhảy vội xuống, lao vào nhà, la lớn:
- Ông Ân, tôi biết ông đang ở trong này. Bước ra, bước ra, đừng để tôi phải mất thì giờ.
Căn nhà vẫn lặng lẽ trong khi tôi rọi đèn và phóng mình vào phòng khách, miệng la lớn:
- Ông Ân, nếu ông đụng chạm đến đứa nhỏ, tôi sẽ thẳng tay trừng trị ông.
Tôi vừa la vừa vội vã xô đổ những chồng giấy và quay lại thúc hối Tân và Hoài:
- Phụ tôi một tay. Lẹ đi, lẹ đi.
Cuối cùng chúng tôi tìm thấy ông ta trong phòng nhạc, hay nói đúng hơn, một căn phòng trong một căn phòng với những bức tường giấy. Ông ta ở trong đó, và tuy đã trên tám mươi, trông ông vẫn có vẻ khỏe mạnh khác thường.
Ông trừng mắt nhìn tôi. Tôi chụp áo ông ta và hất ông sang một bên. Và tôi nhìn thấy một cô gái nhỏ trong y phục của thập niên 30, bị trói và bị bịt miệng, đôi mắt đầy vẻ hãi hùng.
Các bạn thấy không, chính ông Ân là kẻ chuyên bắt cóc trẻ con từ mấy chục năm qua. Ông ta không hề bỏ đi đâu hết. Ông ta chỉ bị mất trí. Bà Nga phải giấu ông và giấu cả những vụ bắt cóc để bảo vệ ông. Tuy nhiên mỗi lần ông hạ sát một đứa bé, sự trung thành của bà dành cho ông lại suy giảm. Tới một lúc không còn chịu đựng được nữa, cách giải quyết duy nhất của bà là tự huỷ.
Tôi đoán rằng ông Ân ở đó vì cú điện thoại mà tôi nhận được báo cho tôi biết lại thêm một bé gái mất tích. Tôi nghĩ ngay rằng nếu bà Nga không làm việc đó thì còn ai khác hơn nếu không phải chồng bà?
Câu chuyện tôi kể lại cho quí vị nghe xẩy ra cũng đã lâu rồi, lâu lắm rồi, và bé gái đó bây giờ đã trưởng thành và tóc đã bạc.
Tôi biết chắc điều đó vì đứa bé đó chính là con gái tôi, và thỉnh thoảng con tôi hình như cũng nhận ra tôi mỗi khi tôi tới thăm nó vào dịp cuối tuần.